Ngôn ngữ Trung Quốc là một ngoại ngữ phổ biến và rất được nhiều sinh viên quan tâm. Thế nhưng, để quá trình học đạt được hiệu quả, bạn cần biết được những đặc điểm nổi bật sau của tiếng Trung.
Tiếng Trung không có bảng chữ cái La Tinh
Trên thế giới hiện nay có những ngữ hệ là: Ngữ hệ Ấn-Âu (Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hindi), ngữ hệ Hán-Tạng (tiếng Trung, tiếng Tây Tạng…), ngữ hệ Phi-Á (tiếng Ả Rập, tiếng Hebrew…) cùng với hàng ngàn ngôn ngữ khác. Trong đó, tiếng Trung là ngôn ngữ không sử dụng tiếng La Tinh. Thay vào đó, quốc gia này dùng loại hình ngôn ngữ đơn lập, tượng hình ghi ý được xây dựng, phát triển và lưu truyền từ lâu đời.
Chữ viết trong tiếng Trung được gọi là chữ Hán, hệ thống chữ tượng hình với hơn 4000 ký tự. Vì là chữ ghi ý nên mỗi ký tự sẽ có một ý nghĩa khác nhau, ẩn chứa nhiều hàm ý. Có lẽ vì vậy nên các quốc gia dùng chữ La Tinh sẽ gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ này.
Ngữ pháp trong ngôn ngữ Trung Quốc không chia thì
Nếu tiếng Anh lấy cốt lõi là các thì cơ bản để xây dựng ngữ pháp thì tiếng Trung không quá đặt nặng vấn đề này. Hơn nữa, ngôn ngữ này cũng không quá chú trọng diễn đạt kính ngữ cầu kỳ như trong tiếng Hàn hay tiếng Nhật. Thay vào đó, ngôn ngữ Trung sẽ thêm các từ biểu thị thời gian, cảm xúc, danh xưng, từ biểu đạt kính ngữ để hoàn thiện trọn vẹn ý nghĩa câu đến người đối thoại.
Về điểm này, tiếng Trung và tiếng Việt lại có sự tương đồng. Vậy nên người Việt học giao tiếp tiếng Trung sẽ có nhiều thuận lợi hơn các quốc gia, hệ ngôn ngữ khác.
Không phân biệt số nhiều, số ít, không có mạo từ
Số nhiều, số ít ở đây là đang nói đến việc biến đổi từ loại mà chúng ta vẫn thường thấy trong tiếng Anh. Thay vì chuyển đổi dạng số ít, số nhiều, thêm mạo từ, tiếng Trung sẽ thêm các từ biểu thị số đếm, số lượng, ước lượng để biểu đạt.
Thanh điệu, âm sắc rất quan trọng
Trong ngôn ngữ Trung Quốc, sai 1 thanh có thể đi lệch cả dặm, vậy nên, hệ thống thanh điệu và âm sắc của ngôn ngữ này rất quan trọng. Không như tiếng Việt có 6 thanh, tiếng Trung chỉ có 4 thanh. Việc đọc sai thanh có thể khiến người nghe hiểu theo một nghĩa khác. Đó là lý do học phát âm trong tiếng Trung không khó nhưng phải rất cẩn thận.
Có 2 hệ thống chữ viết ngôn ngữ Trung Quốc
Ngôn ngữ Trung có 2 hệ thống chữ viết là Phồn thể và Giản thể. Trong đó, chữ Phồn thể là chữ Hán nguyên gốc còn Giản thể là hệ thống chữ được cải cách từ năm 1950. Hiện nay, đa số người Trung Quốc đang dùng hệ thống chữ Giản thể, các chương trình đào tạo cũng đang đi theo hướng đào tạo chữ viết này.
Có hệ thống chữ viết biểu thanh
Chúng ta hay gọi hệ thống chữ này là Pinyin (Phiên âm). Đây là hệ thống chữ La Tinh để biểu thị cách đọc của chữ Hán. Mục đích của Pinyin chính là đơn giản hóa việc tiếp cận chữ Hán đối với người nước ngoài bắt đầu theo học ngôn ngữ Trung Quốc.
Ngôn ngữ Trung Quốc phiên dịch cả tên riêng quốc tế
Ai học tiếng Trung cũng sẽ từng dở khóc dở cười vì tình trạng phiên dịch này. Theo đó, người Trung Quốc thường không để nguyên tên riêng như trong Tiếng Việt. Họ sẽ phiên âm các tên riêng, danh xưng quốc tế thành chữ Hán và biến đổi cả cách phát âm. Nghe tưởng chừng như tên riêng rất dễ nhận biết, nhưng đôi khi bạn sẽ không thể nhận ra đó là cái tên nổi tiếng quen thuộc nếu chưa được giải thích.
Có khoảng 20.000 ký tự Hán văn
Theo thống kê thì Hán văn có tới 20.000 ký tự, nếu tính cả ký tự chuyên sâu theo từ điển Hán văn thì có thể lên tới 50.000. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài học ngôn ngữ Trung Quốc, chỉ cần thông thạo 2.500 ký tự, biết khoảng 3.000 ký tự là có thể sử dụng thoải mái trong đời sống và các lĩnh vực chuyên ngành.
Có rất nhiều người khi bắt đầu chỉ biết đến việc học tiếng Trung, đi theo các bộ giáo trình sách vở mà không biết rằng các đặc điểm trên rất quan trọng. Với ngôn ngữ Trung Quốc nói riêng và nhiều thứ tiếng khác nói chung, việc nắm bắt được những điểm đặc trưng sẽ giúp người học định hình được mình cần học gì, học theo phương pháp nào cho hiệu quả nhanh chóng, tối ưu. Từ đó, việc học sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.