Việc chinh phục một ngôn ngữ mới chưa bao giờ là dễ dàng cả. Việc này càng thêm khó khăn với những người học tiếng Nhật, bởi đây là một ngôn ngữ khó với nhiều bảng chữ cái, và ngữ pháp phức tạp. Thế nhưng chỉ cần quyết tâm thì chắc chắn sẽ chinh phục được tiếng Nhật.
I. Tổng quan về cấp độ kiến thức tiếng Nhật
Tiếng Nhật được chia thành 3 cấp độ
- Sơ cấp
- Trung cấp
- Cao cấp
Để đánh giá năng lực tiếng Nhật của người học, Hiệp hội và các tổ chức giáo dục tại Nhật lấy chứng chỉ JLPT làm thước đo trình độ chung, với các cấp độ chứng chỉ N tương đương với mức kiến thức hiện tại.
- N5, N4 (Cơ bản, Sơ cấp).
- N3 (Trung cấp).
- N2, N1 (Cao cấp, mức độ hiểu biết tiếng Nhật đạt đỉnh điểm).
II. Sơ qua về kỳ thi JLPT
Đối với những bạn mới bắt đầu học tiếng Nhật, việc đầu tiên mà chúng ta nên làm là phải hiểu về kì thi này.
日本語能力試験(にほんごのうりょくしけん) hay tên trong tiếng Anh là Japanese Language Proficiency Test (JLPT), tiếng Việt gọi là kỳ thi Năng Lực Tiếng Nhật. Đây là kỳ thi đánh giá tiếng Nhật nổi tiếng, phổ biến và có uy tín nhất hiện hay. JLPT được tổ chức bởi Japan Foundation (国際交流基金 – こくさいこうりゅうききん), một tổ chức thuộc Bộ Ngoại Giao Nhật Bản. Hiện tại JLPT được tổ chức hàng năm tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Hiện tại, kỳ thi Năng lực Tiếng Nhật (Năng lực Nhật ngữ, hay Japanese Language Proficiency Test) được tổ chức với 5 cấp bậc từ N1 (khó nhất) tới N5 (dễ nhất).
Đối tượng tham gia: Tất cả mọi người không có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nhật đều có thể tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo hay giới tính.
III. Lộ trình tự học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu
Với những bạn vừa bắt đầu giấc mơ chinh phục tiếng Nhật của mình, chúng tôi xin giới thiệu một lộ trình học hiệu quả như sau:
3.1. Giai đoạn 1: Làm quen với bảng chữ cái
Tiếng Nhật có 2 bảng chữ cái là Hiragana và Katakana. Mỗi bảng có 46 chữ cái. Đây là những thành phần cấu tạo nên từ trong tiếng Nhật. Học 2 bảng chữ Hiragana và Katakana là điều đầu tiên, vô cùng quan trọng mà lộ trình tiếng Nhật cho người mới bắt đầu cần có. Thông thường, mọi người sẽ mất khoảng 1 tuần để thuộc 2 bảng này. Bạn hãy chăm chỉ VIẾT – ĐỌC để ghi nhớ chữ cái.
Sau khi đã thuộc Hiragana và Katakana, bạn sẽ tiếp tục với phần khó hơn trong tiếng Nhật – Kanji (Hán tự). Kanji là nhóm từ quan trọng và được sử dụng phổ biến ở Nhật. Tuy nhiên, rất khó để học Kanji bởi nó được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau, có nhiều nét, và xuyên suốt trải dài từ N5 lên đến N1. Trong quá trình học Kanji, bạn phải rất TẬP TRUNG và chăm chỉ ÔN TẬP thường xuyên hơn nếu muốn giỏi phần này.
3.2. Giai đoạn 2: Chinh phục trình độ sơ cấp (N5, N4)
Sau khi học thuộc bảng chữ cái và “làm quen” với Kanji, bạn sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu sâu hơn ngữ pháp và từ vựng. Trình độ N5 yêu cầu khoảng 700 từ và 80-100 Kanji tương ứng (Trên tổng số 2000 Kanji). Để chinh phục được N5, bạn cần học khoảng 150 giờ.
Bạn cần khoảng 300 giờ để đạt được cấp độ N4 trong tiếng Nhật, để học được 1500 từ và 350 Kanji. N5 và N4 là 2 cấp độ thấp nhất để “ước lượng” trình độ tiếng Nhật của người học. Các bạn có thể tham gia học tiếng Nhật online miễn phí để có thể đạt được 2 cấp độ này.
3.3. Giai đoạn 3: Tăng tốc tới trình độ trung cấp (N3)
Cấp độ N3 cần khoảng 450 giờ học để có thể chinh phục. Cấp độ này yêu cầu khoảng 3750 từ vựng và 650 Kanji. Đồng thời, người học cấp độ N3 cần phải nghe hiểu được nội dung cụ thể của một đoạn hội thoại có chủ đề về cuộc sống thường ngày.
3.4. Giai đoạn 4: Sẵn sàng tiến tới đỉnh cao tiếng Nhật (N2, N1)
Bạn cần khoảng 600 giờ để đạt được đến trình độ N2. N2 yêu cầu khoảng 1000 Kanji và 6000 từ vựng cùng với nghe hiểu tốt. N2 có thể nói tương đương với trình độ để bạn có thể học THPT ở Nhật.
N1 là cấp trình độ cao nhất trong tiếng Nhật. Người học được yêu cầu phải thông thạo tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ và có thể đọc các bài luận văn, các bài nghiên cứu khoa học với trình độ này. N1 sẽ mất khoảng 900 giờ để học 2000 Kanji và 10.000 từ vựng.
Bên trên là lộ trình học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu. Hi vọng lộ trình này hữu ích cho bạn mới học theo đuổi được mục tiêu của mình.
– ST: Đức Minh.