Một trong những vấn đề bất cập hiện nay trong đào tạo nghề du lịch là có một khoảng cách giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các kiến thức, kỹ năng chưa gắn liền với thực tiễn kinh doanh sinh động và thay đổi từng ngày. Bởi vậy, việc đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu trong đào tạo nghề du lịch.
* Những nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp:
– Các kênh kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Việc kết nối giữa doanh nghiệp khách sạn, du lịch hợp tác cùng với các trường đào tạo nghề du lịch và khách sạn phải đảm bảo giữ mối quan hệ lâu dài thường xuyên thông qua việc hợp tác và hỗ trợ những vấn đề liên quan đến HSSV: Tham quan, thực tập, làm part time, cung cấp nhân sự …
Tùy nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp, nhà trường và 1 số doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần phải ký được biên bản hợp tác giữa 2 bên.
Các trường đào tạo nghề du lịch, khách sạn phải yêu cầu giáo viên, giảng viên của mình đến tham quan, thực tập, đặc biệt là dành ra 1 khoảng thời gian đủ lớn để làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên thực thụ để nhằm nâng cao tay nghề. Tiếp cận được những kỹ năng phục vụ mới, kiến thức mới, các trang thiết bị, dụng cụ hiện đại… để nâng cao chất lượng bài giảng và tay nghề cho các em học sinh, sinh viên.
– Các mảng hợp tác theo các cấp độ:
Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn tham gia hợp tác cùng các cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn trong quá trình đào tạo thông qua các cách thức sau:
+ Triển khai đào tạo tại doanh nghiệp theo kế hoạch, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch:
Các doanh nghiệp phải trở thành một trung tâm đào tạo kỹ năng nghề quan trọng trong du lịch. Đào tạo thực hành tại doanh nghiệp phải tách biệt được so với đào tạo tại các trường nghề. Trọng tâm là doanh nghiệp đào tạo được các kỹ năng nghề quan trọng nhất, cần kíp nhất cho học sinh, sinh viên phù hợp với thực tiễn kinh doanh sinh động. Để đáp ứng được điều này thì các doanh nghiệp cần phải có trang thiết bị vật chất và kỹ thuật cũng như trang bị cơ sở đào tạo, phòng huấn luyện…Phải có quy định đào tạo và kế hoạch đào tạo tại doanh nghiệp.
+ Tham quan tại doanh nghiệp:
Vào đầu năm học, các trường đào tạo du lịch, khách sạn tổ chức cho sinh viên năm thứ nhất của các hệ đào tạo đến tham quan các doanh nghiệp du lịch, khách sạn để truyền cảm hứng, thay đổi thế giới quan của học sinh, sinh viên về ngành nghề đã lựa chọn. Tùy theo chuyên môn ngành nghề của sinh viên đăng ký học mà nhà trường liên hệ và phân công sinh viên đến doanh nghiệp phù hợp để tham quan.
+ Khảo sát doanh nghiệp để thực hiện các bài tập lớn (assignment), nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp…
Hoạt động khảo sát khách sạn do Giảng viên các bộ môn chuyên ngành hướng dẫn các em sinh viên đến khảo sát và tham qua khách sạn, công ty lữ hành du lịch để viết các đề tài, thuyết trình nội dung theo các chuyên đề đã định của Giảng viên.
+ Thực tập tại doanh nghiệp
Các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần phải phối hợp với các doanh nghiệp để gửi sinh viên thực tập và làm Part time tại khách sạn: quá trình thực tập đóng vai trò quan trọng để sinh viên có thể vận dụng được các kiến thức, kỹ năng được học tại trường lớp và hòa nhập tốt với môi trường làm việc trong tương lai. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện tốt nhất để các em sinh viên của các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch có được môi trường thực tập và làm việc bán thời gian tốt nhất.
+ Thực hành nghiệp vụ và bố trí cán bộ hướng dẫn thực hành cho sinh viên
Khi đưa Sinh viên đến khách sạn thực tập hoặc làm việc bán thời gian, các cơ sở đào tạo cần yêu cầu khách sạn bố trí người hướng dẫn Sinh viên. Để đăp ứng yêu cầu này Khách sạn cần phải có Bộ phận chuyên trách để thực hiện công việc này. Bộ phận chuyên trách này nân có trong phòng Nhân sự của doanh nghiệp du lịch, khách sạn.
+ Định hướng nghề nghiệp và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên
– Các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên: trong quá trình quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo sinh viên qua các nội dung về đào tạo định hướng, các chủ đề gắn với thực tiễn, các nội dung về thực hành, kỹ năng nghề…
+ Đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo, đề cương môn học của cơ sở đào tạo
– Các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần mời lãnh đạo của các doanh nghiệp tham gia vào việc tư vấn xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Khách sạn, Nhà hàng, Chế biến món ăn, Lữ hành, Hướng dẫn, Tài chính, Kế toán.
Trong quá trình phát triển chương trình đào tạo, doanh nghiệp có khả năng tư vấn cho nhà trường về các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp đối với sinh viên cũng như các xu hướng mới nhất trong hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch. Từ đó, các cơ sở đào tạo có được căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo du lịch, khách sạn phù hợp với thực tiễn kinh doanh.
+ Hỗ trợ cơ sở sở vật chất cho hoạt động dạy nghề, đào tạo
Hiện nay xu hướng đưa học sinh, sinh viên đến đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp đang là xu hướng mới trong đào tạo nghề tại Việt Nam. Cách thức này đã được các nước phát triển triển khai rất có hiệu quả. Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư các phòng học, các trang thiết bị, dụng cụ…cần thiết để hỗ trợ các cơ sở đào tạo thực hiện việc đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp.
+ Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
– Các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần hỗ trợ tuyển dụng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Hàng năm, các doanh nghiệp đều có nhu cầu về tuyển dụng lao động, lao động thời vụ. Vì vậy, các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch phải hỗ trợ khách sạn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên theo các tiêu chuẩn đã định của doanh nghiệp.
+ Nghiên cứu giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải
– Các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch cần phối hợp với các doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh cho các doanh nghiệp như: Thông qua trang Web của nhà trường, các hoạt động gắn logo cho doanh nghiệp phải được thực hiện. Các thông tin quảng cáo, giới thiệu việc làm của doanh nghiệp cũng phải được đăng tải trên các kênh thông tin của các cơ sở đào tạo
Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020 tại Hội đồng thi số 2 – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
* Các giải pháp và kiến nghị để phát huy thành công và cải thiện những hạn chế của việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
– Xác định vai trò của các doanh nghiệp du lịch và khách sạn trong sự nghiệp đào tạo nghề du lịch: nhận thức về vị trí, vai trò và đặc điểm của doanh nghiệp du lịch và khách sạn trong ngành nghề đào tạo là yêu cầu đầu tiên được đặt ra. Căn cứ trên những yêu cầu của hoạt động đào tạo, đặc điểm chương trình đào tạo, đặc điểm và năng lực của nhà trường, nhà trường xác định rõ mục tiêu và những yêu cầu khi xây dựng mối quan hệ với từng các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp được xác định đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đào tạo. Là môi trường thực tập cũng là cơ sở đào tạo kỹ năng nghề quan trọng.
– Tìm kiếm, xây dựng và duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và khách sạn: việc lựa chọn các đối tượng doanh nghiệp phù hợp sẽ đảm bảo yêu cầu thực hiện chương trình cũng như duy trì mối quan hệ bền vững. Lựa chọn doanh nghiệp trước hết phụ thuộc vào năng lực, đặc điểm của cơ sở đào tạo cũng như khả năng quản lý và phát triển các mối quan hệ. Các chương trình hợp tác cụ thể sẽ được các giảng viên, nhà trường phát triển nhằm khai thác các mối quan hệ với thế giới nghề nghiệp.
– Thiết kế các phương thức, hoạt động hợp tác cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp: các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp khách sạn và các Trường khá đa dạng, từ việc tổ chức tham quan tại doanh nghiệp, khảo sát doanh nghiệp để thực hiện các bài tập lớn (assignment), nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp, thực tập tại doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên, đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo, đề cương môn học của cơ sở đào tạo, cho đề đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
– Thu thập và sử dụng thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp: các thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp khá đa dạng. Các phản hồi từ các doanh nghiệp là một nguồn thông tin quan trọng đối với nhà trường nhằm xây dựng, thực hiện và hoàn thiện chương trình đào tạo ngành du lịch và khách sạn.
Nghề Dịch vụ Lễ tân lần đầu tiên được tổ chức thi tại Kỹ thi Kỹ năng nghề Quốc gia
* Các kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước:
Đối với cơ quan quản lý du lịch:
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đổ̉i mới và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng mối gắn kết bền vững giữa các trường đào tạo về Du lịch và các Doanh nghiệp du lịch – khách sạn.
– Bộ cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồ̀n nhân lực giữa Nhà trường và Doanh nghiệp du lịch – khách sạn.
– Tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo khách sạn, du lịch. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồ̀n tài chính.
– Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển giữa các Nhà trường với nhau về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu của Nhà trường.
– Cần có trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực có sự phối hợp với các ngành ở địa phương và tham gia của Nhà trường và Doanh nghiệp để đảm bảo gắn chặt giữa đào tạo với sử dụng.
– Cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với Doanh nghiệp và quy định trách nhiệm của Doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu lao động và hỗ̃ trợ trong quá trình đào tạo.
Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng mối gắn kết bền vững giữa Nhà trường và Doanh nghiệp chủ yếu phát huy ở 3 mặt: Định hướng, khuyến khích và hỗ̃ trợ
Đối với cơ quan quản lý đào tạo:
– Cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động liên kết giữa Nhà trường và các doanh nghiệp khách sạn, du lịch trên địa bàn. Xác định rõ tầm quan trọng của thực tập trong giáo dục nghề nghiệp từ có những định hướng thiết thực và rõ ràng đối với công tác thực tập tại cơ sở kinh doanh trong thực tế.
– Cần phải xây dựng được khung pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp có nghĩa vụ tham gia vào quá trình đào tạo nghề.
– Cần yêu cầu các các cơ sở đào tạo phải xây dựng chương trình đào tạo tay nghề tại doanh nghiệp. Phải thiết kế được nội dung thực tập, thực tế bắt buộc cho các chuyên ngành đào tại tại các cơ sở đào tạo.
– Xây dựng cơ chế để đảm bảo chức năng thực hiện công tác thực tập, thực tế đầy đủ và có hiệu quả của các trường đào tạo nghề tại các cơ sở kinh doanh.
– Đảm bảo hơn nữa các chế độ cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác thực tập, thực tế, đào tạo tại doanh nghiệp.
(Bài viết đã được đăng trên tạp chí Du lịch tháng 12/2020)
Bài viết: Nguyễn Tuấn Dũng – Trưởng khoa Quản trị Khách sạn – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội