Công nghệ thông tin – Một tên ngành học khá trừu tượng với sự thắc mắc của nhiều phụ huynh và thí sinh, rằng sinh viên được đào tạo những gì, ra trường đảm nhiệm công việc thế nào? Vậy thực tế, ngành Công nghệ thông tin gồm những nghề nào? – Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Ngành Công nghệ thông tin gồm những nghề nào?
Lập trình viên
Lập trình viên (nhân viên IT) là hướng đi được đánh giá giành sự thu hút và lựa chọn của nhiều nhất các bạn tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông. Với công việc Lập trình, người làm nghề có thể lựa chọn một trong hai, hoặc cả hai nền tảng chủ đạo, đó là: Phát triển website (coder web) và Phát triển phần mềm, ứng dụng (chủ yếu trên mobile).
Tại Việt Nam, Lập trình viên có thể lựa chọn một trong hai loại hình đơn vị làm việc:
- Lập trình viên nội bộ: Làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực (Thương mại, Y tế, Giáo dục, Báo chí,… ).
Với các doanh nghiệp này, IT thường là một bộ phận, thường xuyên tương tác trực tiếp với các đồng nghiệp thuộc phòng Kinh doanh, Chăm sóc khách hàng, Truyền thông,… và luôn cần linh hoạt bổ sung, sửa đổi các hạng mục web, mobile theo yêu cầu của doanh nghiệp. - Lập trình viên tại Công ty dịch vụ Lập trình: Công ty chuyên dịch vụ Lập trình thường yêu cầu độ chuyên nghiệp cao đi kèm là mức thu nhập theo nhiều cấp bậc. Tại đây, các bạn sẽ thực hiện công việc theo dự án và thường làm theo hình thức cuốn chiếu, bàn giao phần mềm, website khi hoàn thành.
Quản trị mạng máy tính
Nhân viên quản trị mạng là người quản lý hệ thống mạng máy tính của một tổ chức, đảm bảo nó vận hành đúng chức năng và được thường xuyên cập nhật những công nghệ mới nhất. Hầu hết các công ty hay tổ chức có sử dụng nhiều máy tính hay nền tảng phần mềm đều cần có tối thiểu 01 nhân viên quản trị mạng để phối hợp và kết nối những hệ thống này.
Người nhân viên Quản trị mạng máy tính chủ yếu chủ yếu phụ trách công việc liên quan đến mạng cục bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN) và mạng nội bộ. Bên cạnh tên gọi truyền thống là Nhân viên Quản trị mạng máy tính thì đôi khi họ được gọi với một số cái tên như: Quản trị viên hệ thống, IT admin hay IT manager.
Bảo trì, sửa chữa máy tính
Việc bảo trì sửa chữa máy tính ở các doanh nghiệp thường được thực hiện bởi nhân sự nội bộ hoặc nhân sự thuê ngoài. Với những Công ty có nhiều máy tính cây và mạng nội bộ, Ban quản trị thường sắp xếp, bố trí 1 – 2 nhân sự cho vị trí Nhân viên Bảo trì – Sửa chữa máy tính với trọng trách quan trọng là duy trì hoạt động, xử lý nhanh mọi sự cố với các máy tính tại cơ sở làm việc.
Bên cạnh công việc tại nội bộ một doanh nghiệp tầm trung trở lên, các cử nhân ngành Công nghệ thông tin có thể kiếm mức thu nhập khá cao khi làm việc tại những công ty chuyên dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy tính, hay tự mở cửa hàng, tạo thương hiệu của riêng mình.
Quản trị cơ sở dữ liệu
Nhân viên quản trị cơ sở dữ liệu thường được gọi danh DBA. Có thể hiểu đơn giản, họ là những người thực hiện đầy đủ vòng tròn với các công việc: Thiết kế, vận hành, chăm sóc, kiểm soát, duy trì an toàn cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của mỗi doanh nghiệp.
Một số nhiệm vụ chủ đạo của người DBA tại các doanh nghiệp có thể điểm tên như:
- Giám sát mọi truy cập dữ liệu
- Thiết kế, thay đổi cơ sở dữ liệu một cách hợp lý
- Nghiên cứu, tìm ra cách lưu trữ hiệu quả nhất, nhằm đưa thông tin tới người cần vào đúng thời điểm
- Xác định nhu cầu của người sử dụng, thiết lập và đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.
- Tổ chức hướng dẫn nội bộ sử dụng cơ sở dữ liệu trong công việc của từng bộ phận
- Phát triển, quản lý, đảm bảo độ chính xác tối cao của cơ sở dữ liệu.
Những nội dung kiến thức sinh viên ngành Công nghệ thông tin được trang bị tương ứng với mỗi ngành nghề
Với mỗi phân ngành trên của Công nghệ thông tin, ở chương trình đào tạo chuyên nghiệp, các bạn sinh viên đều được trang bị một số môn học chuyên ngành tương ứng. Cụ thể, có thể điểm tên một số bộ môn sau:
- Công việc Lập trình viên: Lập trình hướng đối tượng, Lập trình nâng cao, Phân tích và thiết kế hướng đối tượng, Thiết kế giao diện người dùng, Phát triển ứng dụng web, Đồ họa máy tính.
- Công việc Quản trị mạng máy tính: Thực hành hệ điều hành mạng, Mạng máy tính, Nền tảng các dịch vụ công nghệ thông tin.
- Công việc Bảo trì, sửa chữa máy tính: Kiến trúc máy tính, Nguyên lý hệ điều hành, Các vấn đề công nghệ thông tin hiện đại
- Công việc Quản trị cơ sở dữ liệu: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Cơ sở dữ liệu, Quản lý cơ sở dữ liệu, Tối ưu hóa, Xử lý dữ liệu số.
Thực tế, các bộ môn chuyên ngành của ngành học Công nghệ thông tin đều có vai trò nền tảng hoặc bổ trợ cho tất cả các phân ngành. Ngoài ra, việc học tốt đầy đủ các bộ môn sẽ giúp kỹ sư hay cử nhân có sự lựa chọn việc làm rộng mở, không bị bó buộc khi tốt nghiệp.
Ngành Công nghệ thông tin gồm những nghề nào? – Chắc hẳn các bạn đã có những hình dung cơ bản thông qua bài viết của chúng tôi. Chúc các bạn đang, sẽ theo đuổi ngành nghề về Công nghệ thông tin học tập tốt, lựa chọn được đúng hướng đi mà mình yêu thích và gặt hái nhiều thành công với sự nghiệp của mình!